• Ban Quản Trị cộng đồng Yeuthucung.com xin gửi lời chúc mừng năm mới 2020 đến toàn thể các bạn & gia đình, cùng nhau đón một năm thành công, thịnh vượng, hạnh phúc.

BỆNH TIỂU ĐƯỜNG TRÊN CHÓ VÀ MÈO

BỆNH TIỂU ĐƯỜNG TRÊN CHÓ VÀ MÈO


GIỚI THIỆU


Tiểu đường là một bệnh do sự rối loạn biến dưỡng. Dẫn đến tình trạng đường huyết cao trên chó và mèo. Đây là hậu quả của việc thiếu hụt Insulin, hay Insulin được tiết ra nhưng không có tác dụng chuyển hóa đường trong cơ thể. Hiện tượng đường huyết cao kéo dài sẽ gây ra hàng loạt tác động xấu trên cơ quan khác đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu...Tỷ lệ bệnh này trên thú ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.

Một số yếu tố nguy cơ có liên quan tới bệnh tiểu đường như: yếu tố về các chăm sóc ăn uống, yếu tố stress, béo phì, bệnh lý ở gan, tuyến tụy, ……

PHÂN LOẠI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

- Tiểu đường type 1: Còn được gọi là tiểu đường phụ thuộc Insulin, đây là loại thường gặp nhất trên chó. Tế bào Beta trong tuyến tụy chó bị phá hủy, hay suy giảm chức năng, làm lượng Insulin tiết ra ít không đủ để kiểm soát lượng đường trong máu. Hiện tượng này hay gặp trên chó cái không được triệt sản, hay trên chó cái bị chứng rối loạn nội tiết do trong suốt giai đoạn lên giống hàm lượng đường trong máu của chó ở mức cao, do đó tế bào Beta của tuyến tụy phải tiết nhiều Insulin để điều tiết hàm lượng đường về mức bình thường, nhưng chu kỳ lên giống lại kéo dài 21 ngày/ 1 chu kỳ và cứ lặp đi lặp lại nhiều năm làm cho tế bào Bêta của tuyến tụy bị suy yếu do phải hoạt động nhiều, cuối cùng dẫn đến hàm lượng đường trong máu không còn được kiểm soát bởi insilin nữa dẫn đến bệnh tiểu đường.

-Tiểu đường type 2: Thường xảy ra trên thú bị béo phì, có thói quen ăn uống quá độ, ăn nhiều đường, tinh bột, đây là dạng bệnh kết hợp giữa sự thiếu hụt Insulin tiết ra và sự đề kháng với Insulin. Type 2 này thường hay gặp trên mèo chiếm khoảng 80-95%. Các bệnh như cường tuyến giáp trạng, tuyến thượng thận hoặc bệnh ở tuyến yên gây ra sự tăng tiết hormone tăng trưởng là nguyên nhân gây ra sự kháng Insulin trên mèo. Burmese là giống mèo thường hay mắc bệnh nhất.

CHẨN ĐOÁN BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

Triệu chứng lâm sàng: Dấu hiệu thường thấy là uống nước nhiều, đi tiểu nhiều, ăn nhiều béo phì hoặc gầy ốm hôn mê nước tiểu có mùi táo chín. Tuổi thường mắc bệnh lớn hơn 5 tuổi thú cái nhiều hơn thú đực, và tỉ lệ bệnh cao thường trên thú già từ 8-12 tuổi.

Sự thiếu hụt Insulin trong cơ thể làm cho quá trình biến dưỡng bị rối loạn do cơ thể phải lấy chất béo và protein để chuyển hóa thành năng lượng sử dụng. Quá trình này làm sản sinh ra nhiều chất độc có hại cho cơ thể, gây ra những thay đổi ở gan, do đó thú bị tiểu đường cũng có thể gầy ốm, giảm cân, hôn mê hay bị béo phì do trung tâm gây no bị ức chế làm cho thú ăn nhiều mà không biết no. Ngoài ra thú bị tiểu đường cũng làm cho lông da thô xơ, hệ miễn dịch suy giảm làm cho thú dễ mắc bệnh khác như nhiễm trùng đường tiết niệu (thường thấy trên mèo), viêm tai ngoài, viêm xoang miệng,….

Kiểm tra hàm lượng glucose trong máu

Khi thấy chó mèo có những biểu hiện bất thường về hành vi ăn uống, đi tiểu, tăng cân hay giảm cân nhanh. Cần đem chúng đến phòng khám thú y để kiểm tra hàm lượng glucose trong máu, bình thường trên thú từ 60-120 mg/dl. Chó mèo được chẩn đoán là tiểu đường khi hàm lượng đường huyết tăng lên trên mức 200mg/dl. Việc kiểm tra đường nên thực hiện vào buổi sáng, bụng đói và cần phải lập lại nhiều ngày để chẩn đoán chính xác. Khi nghi ngờ là tiểu đường thì Bs sẽ làm thêm các test bổ sung như kiểm tra glucose và ketone trong nước tiểu để xác định bệnh chắc chắn và đưa ra phát đồ điều trị hợp lý cho từng mức độ bệnh.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Mục tiêu điều trị của bệnh này là kiểm soát và điều chỉnh hàm lượng đường huyết về mức bình thường hoặc gần với mức bình thường. Sẽ rất khó và gần như không thể khi chữa dứt bệnh này. Thường trong giai đoạn hôn mê thì bắt buộc phải có liều trình tích cực dùng ngay Insulin ở dạng chích lúc này thú bệnh sẽ được kiểm tra hàm lượng đường 2 giờ 1 lần cho đến khi ổn định. Sau khi ổn định sẽ được duy trì bằng thuốc uống, và có một chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt theo lời khuyên của Bs. Mặc dù vậy vẫn phải định kỳ 1 tuần kiểm tra 1 lần, nếu đáp ứng tốt với thuốc sẽ 1 tháng 1 lần. Nhưng thường thú bị tiểu đường sẽ không sống quá 2 năm.

KẾT LUẬN

Bệnh tiểu đường là bệnh khó khăn trong việc chữa trị nhưng nó hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu chủ nuôi biết chế độ cho ăn hợp lý không cho chó mèo là loài ăn thịt ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột, bánh, trái cây, uống sữa... chỉ nên cho chúng ăn thức ăn hạt của nó và thường xuyên kiểm tra cân nặng, hàm lượng đường, nên triệt sản cho chó cái khi nuôi với mục đích tiêu khiển không nhân giống.

Khi thấy các dấu hiệu nghi nghờ nêu trên nên mang thú đến phòng khám thú y nơi có đủ điều kiện để chẩn đoán và áp dụng phương pháp điều trị mới hiệu quả giúp giảm thiểu tối đa sự phá hủy các tế bào beta trong tuyến tụy nguyên nhân chính dẫn đến những biến chứng trầm trọng của bệnh tiểu đường.



Nguồn từ phòng khám Petpro: www.thuypetpro.com

Petpro Veterinary Clinic
 
Top