• Ban Quản Trị cộng đồng Yeuthucung.com xin gửi lời chúc mừng năm mới 2020 đến toàn thể các bạn & gia đình, cùng nhau đón một năm thành công, thịnh vượng, hạnh phúc.

6 mẹo nhỏ giúp bạn có thể phòng bệnh cho Chuột Hamster

bynzwalker

New Member
6 mẹo nhỏ giúp bạn có thể phòng bệnh cho Chuột Hamster

1. Đảm bảo bé Hamster của bạn luôn có một cảm xúc và tâm trạng vui vẻ:

Đây là điều có thể phần lớn chúng ta bỏ quên nhưng nó lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho không chỉ Hamster mà còn cả những loài pet khác của bạn bị bệnh!

Bạn chỉ chú tâm vào việc cho ăn một ngày bao nhiêu bữa, con Hamster ăn những gì, cho ăn như thế nào thì mới khỏe mạnh nhưng bạn lại chưa bao giờ đặt câu hỏi làm sao để con Hamster nhà bạn cảm thấy vui vẻ, an toàn và thoải mái nhất có thể. Rất là nhiều bạn mắc phải lỗi sai này, trong khi đó phần cảm xúc của bé Hamster mới là thứ quan trọng nhất! Thứ quyết định con Hamster sống dai hay chết sớm, khỏe mạnh hay yếu ớt, ít bị bệnh hay thường xuyên bị bệnh… sở dĩ cảm xúc của Hamster chính là thứ quyết định chuyện đó nhiều nhất chứ không phải cách nuôi!

Tui nói điều trên bởi vì tui đã từng nhìn thấy một con Hamster rất thân thiện khi gặp chủ nuôi và một Hamster cứ gặp chủ nuôi là chạy! Ông bạn nuôi con Hamster thân thiện thì có khá ít hiểu biết về dinh dưỡng của chuột Hamster nên chỉ cho ăn theo bản năng, Hamster ăn được gì là cho ăn đó! Mặt khác, ông kia cho Hamster ăn bữa nào cũng dồi dào dinh dưỡng! Và kết quả sau vài năm thì con Hamster ăn thiếu chất sống dai hơn.

Và nếu bạn có thể làm thỏa mãn cho Hamster về cả mặt dinh dưỡng và tinh thần thì quá tuyệt vời rồi!

2. Dọn vệ sinh chuồng nuôi thường xuyên:

Nói thiệt với bạn là Hamster khá dễ bị bệnh khi môi trường xung quanh bị ô nhiễm!

Lấy ví dụ không gian môi trường xung quanh của bạn như đường xá có nhiều khói bụi, phân chó, phân chuột thì bạn vẫn có thể ở trong nhà để tránh bị ô nhiễm nhưng chuột Hamster không thể làm vậy. Một khi bạn đã nhốt con chuột Hamster vào chuồng và không thèm vệ sinh chuồng nuôi thường xuyên hàng tuần thì rõ ràng chuột Hamster phải ngủ chung, ăn chung với phân và nước tiểu của chúng…

…và tui cũng để ý không chỉ riêng chuột Hamster mà lý do khiến phần lớn những con pet khác bị bệnh đều bắt nguồn từ việc không gian xung quanh bị ô nhiễm.

3. Chú ý thêm về khay đựng thức ăn và quan trọng nhất là bình nước:

Điều này nghe có vẻ bình thường nhưng tui để ý có khá nhiều bạn nuôi thú cưng mà hiếm khi rửa sạch máng ăn và bình nước, thậm chí là máng ăn còn bị mốc và bình nước có quá trời rêu!

Cả 2 vật dụng này nếu bạn để càng lâu thì vi khuẩn sẽ sinh sôi nảy nở càng nhiều, nhất là bình nước. Nguồn nước để lâu là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn gây ra các bệnh về tiêu hóa cho nên nhiều khi bạn không rửa bình nước cho chuột hơn 1 tuần là vi khuẩn đã có thể sinh ra với số lượng khá nhiều trong đó rồi. Có một sự khác biệt giữa bạn và chuột Hamster! Nếu bạn bị bệnh về tiêu hóa như dạ dày hay đường ruột thì bạn vẫn có bác sĩ hỗ trợ, còn chuột Hamster thì không! Bởi vì khá khó để tìm được một bác sĩ thú y có kinh nghiệm chữa bệnh cho chuột.

4. Cho chuột Hamster ăn đủ chất:

Cái này thì tui chỉ liệt kê ra ngắn gọn thôi vì tui nghĩ là chắc anh em ai cũng biết hết rồi. Ăn đủ chất sẽ tăng sức đề kháng, giúp chuột Hamster khỏe mạnh, ngủ ngon, tăng cường khả năng thể chất,….

5. Không được để chuột Hamster cắn nhau:

Khi vết thương của chuột Hamster bị tiếp xúc với phân, nước tiểu hoặc một khu vực ẩm ướt nào đó có nhiều vi khuẩn thì điều này sẽ dẫn đến bệnh áp xe, nấm, ghẻ lở,… Nếu bạn thấy chuột Hamster cắn nhau thì cần phải tách chúng ra liền và lấy nước rửa vết thương lau sạch cho chúng(lau mỗi ngày tới khi vết thương lành)! Chai đó cũng không mắc lắm đâu chỉ khoảng 6-7k thôi. Và trước giờ tui luôn hướng dẫn anh em nuôi với một mức chi phí tiết kiệm nhất có thể cho nên sẽ có khá ít những loại thuốc mắc tiền đối với học sinh lắm!

Một số loài chuột Hamster có tính cách khá thoải mái khi bạn ghép cặp, thế nhưng cũng sẽ có những loài chuột Hamster máu chiến và không thể sống ôn hòa với những bạn mới trong chuồng, điều này tui đã nói đến trong phần 1 ở series, nếu bạn chưa xem thì hãy xem nhé!

Để ghép cặp được những chú chuột Hamster máu chiến, cục súc thì chúng ta cần phải có những biện pháp hợp lý và an toàn!

6. Chú ý đến thời tiết:

Nếu trời quá nóng thì bạn hãy tìm cách giải nhiệt cho chuột Hamster. Còn nếu quá lạnh thì hãy tìm cách giữ ấm cho chuột Hamster! Theo kinh nghiệm của tui thì chuột Hamster sẽ có thể sống tốt ở mức nhiệt độ từ 20 cho đến 31 độ C! Nếu nhiệt độ trên 33 độ C thì chuột sẽ ngừng giao phối và có thể xảy ra hiện tượng ăn thịt đồng loại, còn với nhiệt độ dưới 20 độ C thì chuột sẽ dễ bị cảm, sốt và những bệnh về hô hấp…

Mẹo số 6 sẽ là mẹo cuối cùng tui nhắc đến trong bài viết này, thực ra tui cũng còn nhiều mẹo khác để giúp cho chuột Hamster khỏe mạnh và ít bị bệnh nhưng thành thực mà nói nếu tui kể hết trong một bài viết thì có lẽ sẽ khá dài…

…kèm theo đó là nếu như bạn nuôi có mấy con chuột Hamster mà bắt các bạn phải ghi nhớ, lưu tâm quá nhiều thứ thì sẽ dẫn đến việc các bạn sẽ cảm thấy nản và chẳng muốn nuôi. Cho nên tui chỉ kể 6 mẹo này thôi, mặc dù vậy nhưng đây là 6 mẹo chủ đạo đối với tui trong việc phòng bệnh cho chuột Hamster!

Nếu bạn có hứng thú với bài viết và muốn tui kể thêm những mẹo khác thì hãy inbox cho tui, tui sẽ làm phần 2 của bài viết này.
Còn giờ thì xin chào các bạn và xin chúc các bạn thành công trong việc phòng bệnh cho những loài thú cưng của mình
 
Top